Điều kì diệu mang tên RinRin

Tiểu đường & tuổi tác là nỗi ám ảnh cho bất cứ gia đình nào đang mong muốn có thêm thành viên cho gia đình mình. Nghe mọi người nói về việc này, lúc trước tôi cũng chẳng quan tâm mấy, nhưng khi nó đến với gia đình mình, tôi mới thấm thía được nổi lòng của người trong cuộc.

Dự tính sẽ tìm thành viên mới từ năm 2016, nhưng trầy trật mãi đến tận đầu năm 2018, gia đình tôi mới chính thức đón nhận thành viên bé bỏng nhất sau nhiều chặng đường tưởng chừng không qua được. Và sau đây tôi xin tóm lược lại câu chuyện của mình, một phần để lưu giữ lại kỷ niệm ngày này, một phần có thể tạo chút động lực cho những người đã và đang ở trong hoàn cảnh như tôi có thêm nghị lực để vượt qua giai đoạn này.

“Xảy thai” – nghe ngắn gọn mà lại chua hơn cả giấm

Tháng 12-2016: Ngày đầu tiên khi nghe tin vợ tôi có thai, tôi đã rất mừng và vui vì mọi việc đã đang đi đúng theo kế hoạch, nếu như dự tính thì gia đình tôi sẽ có thêm một bé vào ngay tháng 12 (cũng là tháng sinh của vợ tôi). Tôi vui mừng đi báo cho nhà nội ngoại để chuẩn bị sẵn tinh thần đón bé.

Nhưng niềm vui chẳng giữ được bao lâu khi ngay sau đó hai tháng, vợ tôi đã báo rằng cô ấy đã “Xảy thai”, tuy nghe nhiều người nói rằng vợ tôi bị tiểu đường, thêm tuổi tác cao (lúc đó vợ tôi 40) thì khó giữ bé lắm, nhưng tôi không tin lắm vì đứa đầu của tôi đến khá dễ dàng và thuận lợi. Thật sự khi nghe vợ tôi nói thế, cảm xúc của tôi cũng khá rối, nhưng tôi biết phải an ủi và động viên cô ấy, khuyên cô ấy đợi tiếp lần nữa, và sẽ chăm sóc kĩ hơn về vấn đề sức khỏe cũng như kiểm soát đường huyết cho cô ấy.

“Không bỏ cuộc” – còn cố gắng, còn cơ hội

Cuối tháng 5-2017: ngày báo tin vui vợ tôi đã đến, cô ấy đã có thai được gần 3 tuần, Tôi rất mừng và dặn thầm trong bụng “giờ tôi sẽ không bỏ qua cơ hội này nữa”.

Mắc lại căn bệnh cũ, tôi chăm lo chiều chuộng cô ấy hết mình, thế là vợ tôi tăng ký vèo vèo, và tôi bị bác sĩ la cho một trận vì tội kiểm soát đường không hiệu quả. Nhưng sau khi cân chỉnh lại thực đơn, vợ chồng tôi cũng đã an tâm khi ngày bác sĩ kêu nhập viện chuẩn bị đón bé tới

Nguy cơ của bé khi mẹ bị tiểu đường

Mẹ bị tiểu đường làm bé cũng tăng trọng theo, điều này rất nguy hiểm vì có thể làm bé bị ngừng tim thai bất cứ lúc nào, cận ngày sinh (trước ngày sinh 10 ngày), bé nhà tôi đã được bác sĩ chuẩn đoán rằng bé khá lớn, cân nặng 4.1kg nên yêu cầu nhập viện theo dõi. Tôi thì không lo lắm vì có bác sĩ theo dõi mà, yên tâm sẽ không có việc gì nên tôi chỉ rủng rỉnh xách đồ lon ton theo vợ vào viện ở.

10 ngày trong bệnh viện và những bài học có được

Ngày 21-2: vợ tôi được bác sĩ chỉ định nhập viện theo dõi

“Phòng bệnh nặng” là nơi mà vợ tôi được đưa vào, theo cảnh báo của bác sĩ là do vợ tôi bị ĐA ỐI, bé sanh ngôi mông (sanh ngược), tiểu đường, thai lớn nên nguy cơ khi sanh là khá cao, có thể sẽ bị Băng huyết, hoặc cắt dạ con, mổ phạm phải bé, gãy tay chân bé… đủ thứ tùm lum nghe mà choáng luôn.

Ngày 22-2: bác sĩ bảo sáng nhịn ăn, có thể mổ lấy bé

Tôi đã xin nghỉ làm vào viện ngồi hóng, đến 10h theo lịch hẹn, bác sĩ xuống khám lại và cho một quyết định xanh rờn : “Tiếp tục dưỡng thai” . Hỏi tại sao thì bác sĩ nói một ngày trong bụng mẹ bằng cả một tháng, cho bé ở thêm trong đó cho khỏe đi. 

=> Đừng trách bác sĩ dù đã làm bạn mừng hụt

Sau khi xin nghỉ hẳn một tuần để vào viện ở, tôi hóng chờ từng ngày không biết lúc nào thì bé nhà mới ra, loi nhoi không biết làm gì những lúc bị đuổi cổ ra khỏi phòng bệnh (do bác sĩ khám thì yêu cầu người nhà ra hết), tôi hết đọc sách thì chạy lăng xăng quanh khu bệnh sản, đến nỗi cả mấy cô y tá cũng quen mặt tặng cho một câu “anh này vợ đi đẻ mà cứ loi nhoi hớn hở ra mặt”

=> Niềm vui có thể lan truyền dù bạn có muốn hay không

Không biết mọi người thì thế nào, chứ bản thân tôi cảm nhận, bệnh viện đúng thật là ngộ lắm, tôi nhận ra một điều là: “ai bệnh thì vào đây chữa sẽ hết bệnh, còn ai không bệnh mà vào đây chơi hoài, thì sẽ bị bệnh”. Tôi ỷ y sức khỏe mình tốt, vào chăm vợ thì cần gì quá nhiều cho bản thân, mua đại cái chiếu bành ngang 1m cho tôi nằm dưới sàn (kế giường vợ tôi), chả cần chăn mền làm gì cho rườm rà, 2 hôm sau là chịu hết nổi, bàn giao cho cô em vợ lên thay, tôi rút về nhà dưỡng bệnh cấp tốc, hôm sau thấy đỡ vào thay cho cô em mới chịu trận thử một hôm là cũng bị choáng váng, đau đầu.

=> “Cần giữ sức khỏe của bản thân trước khi muốn chăm lo cho ai khác”

Ngày 26-2: 10h vợ tôi được đẩy xuống phòng mổ sau khi nhận được quyết định của bác sĩ. Quả thật cái thời gian ngồi chờ ở ngoài phòng mổ khó chịu thật đấy, thấy trong phim người ta cũng căng thẳng thế nào thì tôi cũng không thua đâu, dù rằng tôi là một người khá là bình tĩnh, khả năng kiềm chế của tôi rất tốt, nhưng vào lúc đó tôi cũng không thoát được cảm xúc lo lắng trong lòng, tôi đi quanh phòng mổ, rồi qua phòng hồi sức, ngồi chờ trước phòng giao đồ cho bé, lâu lâu lại chạy ra đền quan âm thắp nhang vái lạy xin bồ tát phù hộ cho hai mẹ con an toàn, khỏe mạnh.

11h, không nghe thấy thông báo gì, 12h, để cho em vợ ngồi canh, tôi chạy ra căn tin ăn miếng cơm mà chỉ được một phần, quay lại ngồi chờ tiếp mà thấy lâu quá, làm liều chạy vào phòng hỏi thăm thông tin thì mới hay rằng vợ tôi đã mổ xong và bé được chuyển lên khoa “bệnh lý sơ sinh” rồi, họ còn la tại sao nãy giờ gọi mà tôi không vô, cơ mà họ gọi qua loa, mà cái loa ở trước phòng nó hư hay sao chứ tôi và em vợ ngồi chờ từ sáng đến giờ, có dám rời đi đâu mà có nghe được ai kêu gì đâu

=> đừng chờ đợi thông tin đến, hãy đi hỏi thì bạn sẽ biết thông tin (ngại ngùng chỉ làm bạn lo lắng thêm thôi)

Câu chuyện tạm dừng ở đây, giờ tôi phải đi pha sữa cho công chúa của tôi ùi, sẵn khoe luôn là bé nhà tôi được 5.7kg lận nhé

TRẦN SẮC BẢO CHÂU
(RinRin)