Tính cẩu thả: Dạy trẻ học cách cẩn thận tỉ mỉ

Vân là một học sinh lớp 4, cô bé rất lạnh lợi và đáng yêu, được bầu làm lớp phó văn thể mĩ. Thế nhưng những việc mà Vân làm lại chẳng ra đâu vào đâu, tất cả chỉ tại thói cẩu thả.

Mẹ nói Vân rất hoạt bát, thành tích cũng không tồi, nhưng khi đi học, cô bé thường quên mang theo vở bài tập hoặc quên không viết đáp án; học tập đọc thì có khi đọc thừa có khi đọc thiếu, viết chữ lại hay viết sai; chép bài cũng hay chép sai, khi viết trên giấy nháp thì rõ ràng là đúng, nhưng khi chép vào vở lại thiếu số. Mỗi lần đến kì thi là cô bé lại càng bất cẩn hơn, cứ làm bài thi xong là lại phát hiện ra mình viết thiếu một số, hoặc quên không trả lời một câu hỏi nào đó.

Cho dù mẹ thường xuyên nhắc nhở Vân hãy cẩn thận tỉ mỉ hơn, nhưng dường như không có chút hiệu quả nào, Vân vẫn thường xuyên lơ đễnh.

Mỗi bậc cha mẹ đều hi vọng con mình làm việc và học tập một cách cẩn thận, nhưng rất ít trẻ nhỏ có thể ngay lập tức học được đức tính này. Vì thế, tính cẩu thả là một bệnh rất thường gặp ở trẻ nhỏ và cũng đem lại không ít phiền phức cho các bé.

Một số trẻ nhỏ không thể nào nâng cao thành tích học tập cũng chỉ vì bất cẩn. Những đứa trẻ như vậy, cứ thi xong là lại than phiền: “Thực ra bài này không nên sai mới phải, mất điểm thật là đáng tiếc.”

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ nhỏ trở nên bất cẩn. Cỏ thể là nguyên nhân xuất phát từ sinh lí như khả năng ghi nhớ, thị giác và khả năng nhận biết phân biệt còn kém, không có cách nào để làm việc cẩn thận được.

Tuy nhiên, còn có nhiều nguyên nhân khác: Có thể là do tính cách trẻ hay hấp tấp, dễ xuất hiện tình trạng làm không đến nơi đến chốn; ở một số trẻ khác là do vấn đề thái độ, không làm việc nghiêm túc thì sẽ dẫn đến không đạt kết quả tốt; còn có thể xuất phát từ vấn đề luyện tập, nắm bắt các kiến thức một cách mơ hồ; cũng có thể là vấn đề nhận biết, không nắm được những nguy hại của việc bất cẩn. Trong đó, nguyên nhân chính vẫn là trẻ không có tinh thần trách nhiệm, không xem trọng công việc.

Thông thường, trẻ cẩu thả là điều dễ hiểu, nhất là ở những trẻ tuổi còn nhỏ. Điều này chủ yếu là do khả năng nhận thức qua thính giác và thị giác của trẻ chưa phát triển thành thục, cùng với sự phát triển về tinh thần và thể trạng của trẻ thì vấn đề bất cẩn cũng sẽ có chuyển biến tốt hơn. Nhưng nếu sự bất cẩn của trẻ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến học tập và cuộc sống của bé thì cha mẹ bắt buộc phải dùng biện pháp nào đó để giúp con sửa được khuyết điểm này.

CHUYÊN GIA KHUYÊN

Trẻ nhỏ cẩu thả chủ yếu là bởi bé chưa nắm bắt được kĩ năng hành động cẩn thận. Nhưng ở một góc độ khác thì chính là cha mẹ đã không bồi dưỡng cho con thói quen cẩn thận, tỉ mỉ ngay từ khi còn nhỏ. Ví dụ như thường xuyên để trẻ học tập trong môi trường hỗn độn, ồn ào, vừa học vừa xem ti vi. Vì thế, muốn giúp trẻ sửa được căn bệnh bất cẩn đòi hỏi cha mẹ và bé phải cùng nhau nỗ lực. Cụ thể thì nên làm thế nào?

LỜI KHUYÊN 1: Không nên nghiêm trọng hóa việc trẻ bất cẩn

Gặp phải tình huống này, cha mẹ không nên cứ mãi nhấn mạnh rằng con có cái tật không cẩn thận, mà phải chủ động tăng cường rèn luyện cho trẻ.

LỜI KHUYÊN 2:  Để trẻ hình thành thói quen tập trung tinh thần khi làm việc

Cha mẹ phải yêu cầu trẻ nhỏ học tập hay làm bất cứ việc gì thì trước tiên phải tập trung làm xong một việc, sau đó mới chuyển sang làm việc khác. Như thế, trẻ sẽ chỉ tập trung tinh thần vào một việc nhất định, khắc phục được “căn bệnh” không cẩn thận.

Cha mẹ cũng nên dạy trẻ khi đặt bút xuống giấy thì phải cẩn thận, không được quá phụ thuộc vào viên tẩy. Bút tẩy xóa chính là một nhân tố quan trọng khiến trẻ trở nên bất cẩn trong học tập.

LỜI KHUYÊN 3: Để trẻ học tập trong môi trường yên tĩnh

Cha mẹ nên tạo cho trẻ nhỏ một môi trường học tập thật tốt. Ví dụ, trên bức tường trong phòng trẻ, ngoài dán những công thức, bảng chữ cái thì tốt nhất không nên dán bất cứ thứ gì không liên quan đến việc học như là tranh ảnh. Hay khi trẻ đang học hoặc làm bài tập, cha mẹ không nên bật ti vi, tốt nhất cũng đừng nên nói chuyện, tránh làm con xao nhãng.

LỜI KHUYÊN 4: Dạy trẻ học cách tự kiểm tra bài tập

Cha mẹ đừng giúp trẻ kiểm tra bài tập, phải để con hình thành thói quen tự kiểm tra và sửa lỗi sai trong bài làm. Như thế trẻ mới nhận biết được sự nguy hại của việc cẩu thả, học được cách tự mình kiểm tra lỗi sai, khắc phục được tính cẩu thả.

LỜI KHUYÊN 5: Để trẻ ghi lại những lỗi sai của mình

Đối với những đứa trẻ có tính cẩu thả, người lớn có thể mua cho bé một quyển vở, để bé mỗi lần làm bài tập có thể chép lại những bài làm sai của mình vào đó, đồng thời tìm ra nguyên nhân làm sai và viết ra đáp án đúng. Quyển vở này trên thực tế trở thành quyển vở tập hợp các lỗi sai của trẻ.

LỜI KHUYÊN 6: Luyện tập nhiều, động viên nhiều

Trong cuộc sống thường ngày, bạn nên tạo cơ hội cho con làm nhiều việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, như dùng bút chì viết chữ, khâu cúc áo… để rèn luyện cho trẻ tính cẩn thận. Khi trẻ không cẩu thả, bạn nên kịp thời động viên và khen ngợi để bé không ngừng trải nghiệm sự thành công và càng thêm cẩn thận hơn.